Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Bên ly cà phê, cuộc sống nói gì?

Từ rất lâu, chuyện uống cà phê đã trở thành một trong những thú vui tao nhã trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Nhiều thế kỷ trôi qua, cà phê vẫn mang lại sự kích thích giúp bạn tỉnh táo hơn, dù bạn đang ngồi ở một chân trời nào đi chăng nữa…
Có lẽ những quán cà phê là nơi bạn có thể tự do nhất để suy nghĩ và phát biểu. Chính nhờ những lần tán ngẫu nhau bên ly cà phê mà nhiều người trong chúng ta đã ngộ ra nhiều triết lý về cuộc sống, cách sống.
Sự yên lặng và quân bình dường như đều tập trung ở đây, bên ly cà phê với bạn chúng ta đã học được những gì?…
Đơn giản là hưởng thụ giây phút ấy – có lẽ đó là một nguyên tắc để hài lòng với cuộc sống chăng?
Tản mạn xung quanh ly cà phê giúp cuộc sống của bạn thêm phong phú, vui vẻ và đầy nhiệt huyết. Những ảnh hưởng tích cực, những chiến thuật thực tiễn và những kỹ năng tạo cảm hứng mà chúng ta đang bàn ở đây đều nhằm mục đích giúp bạn ý thức đầy đủ về cuộc sống để sống trọn vẹn và cảm thấy yêu đời mỗi ngày khi thức dậy.
Nào, hãy thưởng thức một ly cà phê mình ưa thích trong lúc chúng ta chiêm nghiệm những nguyên tắc trong tản mạn cà phê.
7 nguyên tắc trong tản mạn CÀ PHÊ
1. Hâm nóng lại cà phê sẽ gây vị đắng
Hãy để những chuyện quá khứ thuộc về quá khứ

2. Bắt đầu bằng những hạt cà phê tươi mới
Hãy rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm chứ đừng lặp lại
3. Dùng đúng cách máy xay cà phê
Thực hiện những gì bạn có thể và chấp nhận những gì bạn không thể
4. Dùng hạt cà phê chất lượng cao và nước tinh khiết
Hãy ca ngợi bản thể duy nhất của bạn trong vũ trụ

5. Giữ đúng tỷ lệ
Bạn cần học cách thách thức với những suy nghĩ vô lý
6. Nước sôi sẽ hủy hoại hương vị
Biết kiểm soát mức độ căng thẳng trong cuộc sống
7. Uống cà phê khi còn nóng
Hãy sống trong hiện tại
================================
Cuốn sách ‘ BÊN LY CÀ PHÊ CUỘC SỐNG NÓI GÌ ‘ do nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 3 năm 2005.
Tác giả: Phạm Anh Tuấn
Giá: 18.000 VND
Giới thiệu ngắn:
Book1657Tác giả liên hệ đến bảy nguyên tắc để có một cuộc sống hài lòng, hạnh phúc qua việc thưởng thức một ly cà phê thật ngon. Bảy nguyên tắc này giúp cuộc sống của bạn thêm phong phú, vui tươi và tràn đầy nhiệt huyết. Những ảnh hưởng tích cực, những chiến thuật thực tiễn và những kỹ năng tạo cảm hứng mà cuốn sách này đem lại đều nhằm mục đích giúp bạn ý thức đầy đủ về cuộc sống để sống trọn vẹn và cảm thấy yêu đời mỗi ngày khi thức dậy.

Cafe cùng cô đơn

"Cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng."

Vài người, như tôi chẳng hạn, thích tìm đến café vào những lúc mình cô đơn nhất. Sự cô đơn ấy không hẳn mang một ý nghĩa gì đó quá tiêu cực và buồn bã, chỉ là sẽ có những lúc chẳng biết bản thân mình muốn gì, cần phải đi cùng ai. Thỉnh thoảng, cô đơn cũng chính là một người bạn tôi cần gặp mặt, dù có ưa nó hay không.
Người tập cho tôi thói quen đi café vào những dịp cuối tuần đã từng bảo rằng : “Đôi lúc anh uống thứ nước này không phải vì caffeine của nó khiến anh tỉnh táo, chỉ là trong cuộc sống với vài ngàn thứ buộc chúng ta đối mặt mỗi ngày, cô đơn cùng tách café của mình là thứ cô đơn đầy dễ chịu.”. Sau lần ấy, vì vài chuyện, chúng tôi không còn liên lạc với nhau, nhưng câu nói của anh ta làm tôi nhớ mãi. Thì ra cái phần “vàn ngàn thứ buộc chúng ta” có sức tàn phá thật kinh khủng. Khi không còn dành ra vài giờ đồng hồ ngắn ngủi để gặp người ấy café vào cuối tuần nữa, tôi thấy mình chẳng khác đi, chẳng thay đổi, chẳng tiến lên, cũng chẳng có chút mơ ước gì để phấn đấu.
Chúng tôi không phải đang hẹn hò nhau. Chỉ là tôi luôn ghé tới đó vào buổi tối, anh ta cũng vậy. Anh hay có thói quen giũ cái áo khoác xám tro của mình rồi phủ lên thành ghế, miệng còn buông một câu than thở gì đó về thời tiết. Cuộc sống của chúng tôi vào khoảng thời gian ấy được chia làm hai phần, một phần là công việc và những thứ liên quan khác, một phần là ở đây, café cùng nhau, và nói vài câu chuyện phiếm. Khi đó tôi tin mình yêu anh, còn anh ta thì khi nào cũng mang bên cạnh một mớ tình cảm đầy hỗn độn. Tôi biết đây không phải là một người tốt, nhưng cái cách anh ta hỏi tôi “tuần này của em thế nào?” luôn khiến mọi cô gái tự ảo tưởng và muốn bắt đầu một cái gì đó thật mới. Có lẽ đó không phải tính xấu, chỉ là sự quyến rũ của anh ta bản năng đến nỗi chính bản thân anh cũng không có mấy phần muốn tự chủ.

Tật xấu nhất của người này chính là vô tâm. Đều đặn hàng tháng, anh kể cho tôi nghe về cô abc hay xyz nào đấy, cả hai hẹn hò, quấn quýt, nông cạn hôn nhau, rồi chia tay gọn gàng, không có bất kì sự hối hận hay luyến tiếc nào. Anh ta còn hỏi thế có phải là yêu không? Vì tình yêu thì cần sự ám ảnh, họ không ám ảnh anh. Nếu không phải là tình yêu, thì anh ta có phải là kẻ cô đơn nhất thiên hà rồi không? Tôi yêu đơn phương người này, nên mỗi lần nghe như thế hay cảm thấy có chút mất mát lẫn hụt hẫng, nhưng thứ ảo tưởng cố chấp tuyệt nhiên lại không hề đi khỏi.
Đó là buổi tối cuối tuần chênh vênh nhất mà tôi còn có thể nhớ được. Không phải là một abc hoặc xyz nào đấy, anh nói đôi mắt to tròn của cô gái này ám ảnh anh, khiến mọi thứ trong thế giới mặc nhiên trở nên thật đơn giản. Là buổi sáng sẽ bình thản khi thấy cô ta nằm bên cạnh ngoan như đứa trẻ, buổi tối đi làm về cười phá lên vì mấy thứ cực kì xuẩn ngốc mà cô ta nghĩ ra, bất gíac nhìn cô gái này, anh chẳng còn muốn mình cô đơn nữa, dù thứ cô đơn ấy từng dễ chịu dường nào. Cái chia sẻ bé nhỏ của anh ta khiến tim tôi vỡ ra, và đó cũng là lần đầu tiên tôi ngắm nhìn người này thật kĩ rồi tự dặn mình cần dừng lại. Trong vài vấn đề, hình như caffeine cũng không cách nào giúp chúng ta tỉnh táo cả. Sau lần tạm biệt đó, anh ta nhắn cho tôi cái tin: “Thỉnh thoàng rảnh, anh sẽ ghé lại, còn em, đừng cô đơn một mình mãi”.
Và anh ta biến mất, nhẹ bẫng như không.

Uống café nhiều thì không tốt, tôi biết điều đó. Cô đơn nhiều quá cũng vậy, nhiều người cũng biết điều đó. Nhưng chẳng có cách nào dạy chúng ta dừng cô đơn cả, bởi con người biết đâu sẽ lớn lên từ nỗi cô đơn mình mang theo bên cạnh. Như kiểu một buổi sáng mùa xuân, anh ta chẳng hiểu sao lại nhắn thêm một cái tin nữa, khoe lấy vợ rồi, gặp nhau được không. Tôi đọc xong thấy mình điềm nhiên lạ kì, cũng chẳng hồi đáp, tin nhắn ấy cùng “vài ngàn thứ” cứ trôi tuột đi trong vô thức. Ngày nối ngày.
Chủ nhật. Cuối tuần. Tôi gọi café, rồi lần đầu tiên tự hỏi mình có nên cô đơn mãi như thế này không, và thấy mình bình thản. Hình như chúng ta thường hay bị nhầm lẫn giữa việc phải có một ai đó bên cạnh để cảm thấy hạnh phúc thì phải? Chúng ta đi qua nhau trong cuộc sống thường ngày, không thèm đoán định tình cảm dành cho nhau lớn dường nào, chúng ta nói rằng mình yêu người đó, và buộc người đó cũng phải làm điều tương tự lại với mình, không thèm tự hỏi người ta có phải đặc biệt dành cho mình không, cũng không hỏi mình với họ sâu sắc đến mức nào.
Dường như bất kì vấn đề nào trong cuộc sống này, kể cả nỗi cô đơn, tôi đều dễ dàng chọn lựa café để tự ủi an chính mình.
Café. Cô đơn và bình thản.
Chỉ có vậy!
Và sau tất cả những thứ này, tin tôi đi, có phải chúng ta đang bị đầu độc về việc có một ai đó bên cạnh thì mới hạnh phúc không?

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Tác dụng của hạt điều đối với sức khỏe

1. Trước hết phải nói thành phần dinh dưỡng chứ trong hạt điều
  • Lê cũng là người thường xuyên sử dụng hạt điều trong ăn uống và cũng tìm hiểu nghiên cứu rất kĩ thành phần dinh dưỡng của nó. Vì Lê như các bạn nữ khác, là người ăn kiêng vì sợ béo.

Cứ 100gr hạt điều thì chứa khoảng 564 Kcal, tương đương với một số hạt thông dụng như hạt mè, hạt đậu phọng, hạt hướng dương…
Cụ thể: nước 4g, glucid 28,7g, protid 18,4g, lipid 46,3g, tro 2,6g, các chất khoáng: Canxi 28mg, Photpho 462mg, Sắt 3,6mg, vitamin A 5mcg, vitamin B1 0,25mg, vitamin C 1mg ((theo FAO.1976)
Nhìn chung các loại hạt thì đều chứa nhiều năng lượng. Nhưng hạt điều trội hơn về thành phần dinh dưỡng quý. Đó là hàm lượng chất chống oxy hóa hàng đầu là axit béo omega-3, omega-6
2. Công năng của hạt điều trong sức khỏe:


Nói về sức tác dụng hàng đầu của hạt điều phải kể đến là tác dụng tốt cho tim mạch. Vì hạt điều chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, chất béo này tìm thấy nhiều trong dầu oliu.
  • Chống oxy hóa, tốt cho xương, bảo vệ răng chắc khỏe
Đặc biệt là trị táo bón cực kì hiệu quả, Hạt điều rất giàu kali, sắt, magiê, kẽm và các loại khoáng chất và một loại men có ích giúp kích thích các vi sinh vật có lợi cho đường ruôt phát triển, duy trì nguồn năng lượng trong cơ thể luôn dồi dào, giữ cho đường ruột luôn khỏe mạnh và giải quyết được chứng táo bón.
  • Trị chứng suy nhược cơ thể cực kì hiệu quả. Những bạn mắc chứng suy nhược cơ thể thì nên ăn, nó giúp bạn có nguồn sinh lực dồi vào hồi phục cơ thể. Ở VN mình thì ít dùng hạt điều trong thực đơn hằng ngày, nhưng ở mỹ, hạt điều lại là thực phẩm thiết yếu quan trọng đối với họ. Vì nó giàu dinh dưỡng, ít carb. Mà các nước phương Tây chú trọng ăn nhiều đạm để giữ vóng dáng săn chắc và hạn chế mỡ thừa hơn là các nước châu Á mình, với thói quen ăn giàu tinh bột.
  • Giảm cân: Cái này nghe có vẻ phi lí, vì hạt điều giàu năng lượng như thế làm sao giảm cân được. Nhưng Lê là người đã sử dụng nó để giảm cân, vấn đề là sử dụng thế nào mà thôi.
Ở Châu Âu và Mỹ, hạt điều được sử dụng cực kì rộng rãi và phổ biến. Đặc biệt các thực đơn giảm cân thì hạt điều được liệt và danh sách các thực phẩm nên ăn hằng ngày.
Nếu các bạn đã từng áp dụng chế độ low carb ( tăng đạm, béo, giảm đường và tinh bột) thì hạt điều là món hầu như không thể thiếu trong chế độ này.
Nguyên tắc giảm cân là ăn đủ dinh dưỡng nhưng tiết chế lượng calori và khống chế được cơn them ăn. Hạt điều đi đầu trong việc cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày, và tạo cảm giác rất no.
Lê xem trên các chương trình giảm cân trên youtube, thấy người ta dùng hạt điều để ăn vặt thay cho khoai tây, snack, hay các loại bánh kẹo khác(Chương trình “What I eat today”  trên youtube hướng dẫn các thực đơn ăn kiêng và giữ vóc dáng bằng các chế độ ăn uống của Mỹ). Lê áp dụng theo, thấy rất mau no. Tới bữa chính thì chán ăn, ăn ít hơn hẳn. Các bạn thử áp dụng xem nhé.
3. Cách ăn hạt điều thế nào để tốt cho sức khỏe và giảm cân? Các bạn xem TẠI ĐÂY nhé
4. Mua hạt điều sạch ở đâu? 
  • Hạt điều Lê hiện tại đang bán: XEM TẠI ĐÂY. ( https://www.facebook.com/taiwa.trang) .Lê không dám nói về độ ngon của hạt điều quê Lê làm thế nào, mọi người ăn và tự cảm nhận nhé. Lê có post cảm nhận của khách hàng về hạt điều quê Lê làm. Khẩu vị khách hàng đa dạng khác nhau, nhưng đa phần đều thích khẩu vị mà quê Lê chế biến.
  • Riêng hạt điều ở quê Lê làm thì Lê dám bảo đảm độ an toàn, lành tính lẫn giá cả của hạt điều nhé. Vì Lê cũng là người trong đạo Phật, những chuyện thất đức thì Lê sẽ không bao giờ làm cả.
  • Còn các anh chị muốn tham khảo bài viết của Lê về cách xem chọn hạt điều sạch, chất lượng, thì xem TẠI ĐÂY NHÉ
  • Còn các nguồn khác ngoài thị trường thì riêng Lê không dám chắc chắn, vì khi hạt điều thô được các thương lái thu gom, thì có khả năng họ đã ngâm hóa chất rồi, cái đó rất khó kiểm tra. Chỉ mua những nguồn các anh chị quen biết, hoặc tin tưởng mà thôi.
Các bạn muốn liên hệ tư vấn hay đóng góp ý kiến thì để lại bình luận phía dưới hoặc nhắn tin facebook: https://www.facebook.com/messages/taiwa.trang
Hoặc thông qua FB của Trang: https://www.facebook.com/taiwa.trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Ly cà phê và người đẹp

Thứ hai - 25/02/2013 22:00
Túi xách hiệu Prada mới nhất hoặc chiếc băng đô cài đầu có thể trông rất bắt mắt, nhưng nếu bạn muốn trở thành một người đẹp ở Hollywood, hãy luôn cầm trên tay ly cà phê. Và hãy nhớ rằng, ly càng to càng chứng tỏ đẳng cấp sành điệu của bạn.
Dạo gần đây, các paparazzi theo sát những người đẹp nổi tiếng ở Hollywood đột nhiên phát hiện một điều khá đặc biệt: các kiều nữ có chung một đặc điểm là luôn cầm theo ly cà phê to tướng. Có vẻ như các ngôi sao trên đã chọn được một vật trang sức mới cho mình. "Thật là thú vị khi thấy hầu như trên mọi tạp chí đều đăng ảnh những "sao" có thân hình gầy nhẵng luôn mang kè kè ly cà phê vĩ đại", Mara Yanoshik, một sinh viên theo ngành báo chí tại Đại học Pace ở New York, nhận xét.
Và "sao" thường chọn nơi lý tưởng nào để tậu những ly cà phê này? "Starbuck là sự lựa chọn tốt nhất của những người nổi tiếng", cựu nhân viên chi nhánh Starbucks tại Los Angeles bật mí. Theo cô, họ thường phải di chuyển liên tục, và do đó họ thích mang thức uống theo người. Tất nhiên đã là "sao" thì khẩu vị cũng phải khác người thường. Nếu một người thích uống đắng, ít đường, không sữa tươi và cream thì yêu cầu của họ còn quá đơn giản khi so với những người nổi tiếng. Reese Witherspoon thích một ly cà phê lớn có mùi quả hạnh, trong khi "gu" của Mary-Kate Olsen là cà phê không đường pha với sữa gầy. Nicole Kidman chọn ly capuccino cực lớn ít béo. Ngôi sao "Cup of Life" Ricky Martin yêu cầu không béo, espresso không đường, có vanilla... Chưa kể đến các "gu" đặc biệt của Mike Meyers, Montel Williams và John Travolta...
Theo trang web fitwise.com, trong khi một số loại cà phê thêm nhiều đường sữa có thể khiến người ta tăng cân, một ly cà phê theo kiểu Starbucks hay Coffee Bean có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và làm giảm ốm bằng cách giải phóng các chất axít béo nhanh chóng được đốt cháy khi vào cơ thể người. Và đây là điều đã hấp dẫn các "sao" nhất. "Chất caffeine tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương, giúp người ta suy nghĩ sáng suốt hơn và giảm nhẹ tình trạng mệt mỏi", giáo sư Earl Mindell - tác giả của cuốn The Vitamin Bible for the 21st Century, cho biết. Tuy nhiên, theo ông, những tác dụng tích cực trên có thể bị đẩy lùi do các tác dụng phụ khác như trầm cảm, bồn chồn, mất ngủ và nhức đầu. Do đó, mặc dù uống nhiều cà phê là một thói quen không tốt, nhưng giới nổi tiếng tại Hollywood vẫn thích sì sụp nhấm nháp chất nước đăng đắng này.
Trở lại chuyện kích cỡ của ly cà phê, không chỉ có các "sao" mới thích bê ly lớn. "Ly cà phê là loại thời trang cần phải có hiện nay và kích cỡ càng "ngoại hạng càng tốt". Nó giống như một đồ trang sức thời thượng tô điểm thêm cho vẻ bề ngoài hiện đại của bạn", sinh viên Yanoshik nói. "Mọi người ai cũng thích uống cà phê. Hầu hết những người tôi biết đều uống ít nhất 2 ly mỗi ngày, nhưng cũng có người lập kỷ lục "quất" hết 7 ly", cô nói tiếp. Và Yanoshik thừa nhận rằng việc nhiều minh tinh, ca sĩ cầm lê la ly cà phê lớn trên tay đã tạo thành quan niệm rằng: "Ồ, như thế mới là đúng mốt ấy chứ!".
Tuy nhiên, không phải chỉ có uống cà phê mới là sành điệu. Nhiều người đẹp đã chọn uống trà xanh vì tác dụng chống lão hóa và đốt chất béo hiệu quả của loại thức uống trên. Gwyneth Paltrow không thể rời nhà nếu không cầm trên tay ly trà, J-Lo đã kêu người vận chuyển loại trà mà cô ưa thích đến tận tư dinh từ hồi năm ngoái. Người ta còn đồn rằng Kim Cattrall, ngôi sao của loạt phim truyền hình nổi tiếng Sex in the City, đã không thể hoàn tất vai diễn của mình nếu không có trà.
Theo các minh tinh màn bạc và giới thượng lưu tại kinh đô điện ảnh Hollywood, trà giống như một loại cà phê không kèm calorie mà thôi. Và điều quan trọng là họ vẫn có thể mang ly trà lớn khi đi đâu đó...
Nguồn tin: TTO

Chia sẻ của một cô gái yêu cà phê

Thứ tư - 30/01/2013 17:3
Bố tôi nghiện cà phê. Khi các ông bố khác gọi con mình là "con gái rượu", thì bố gọi tôi là "con gái Cà Phê ".
Chia sẻ của một cô gái yêu cà phê
Chia sẻ của một cô gái yêu cà phê
Từ bé tôi đã được đi uống cà phê với bố, bố ôm một cuốn sách dầy đầy chữ, còn tôi ôm một cuốn sách mỏng đầy tranh, đồ uống của tôi là một cốc sữa được bố tôi rẩy lên một chút cà phê để gọi là... cà phê sữa. Và thế là hai chúng có thể ngồi bên nhau suốt cả sáng chủ nhật, cho đến khi mẹ tôi gọi về ăn cơm trưa ở nhà bà ngoại.

Khi tôi lớn lên chút nữa, chủ nhật bố tôi uống cà phê một mình suốt buổi sáng ở quán cà phê gần nơi tôi học tiếng Anh. Bố đưa tôi đến, ngồi đọc sách, đợi đón tôi về. Tôi tan ca học là bố gọi ngay ly "cà phê sữa" và chút bánh ngọt để tôi lót dạ. Chúng tôi sẽ lại tán chuyện đến khi mẹ gọi về ăn cơm trưa.

Tôi học tiếng anh để đi du học. Nhưng đã mấy lần, dù điểm TOEFL của tôi không tệ, nhưng những học bổng tôi gửi đi đều bị trượt. Rồi cậu bạn mà tôi mến có một người bạn gái khác. Rồi vì tôi tập trung vào tiếng anh nhiều quá mà những môn học khác xuống dốc. Phải sắp xếp lại mọi thứ cả về tình cảm lẫn chuyện học hành cùng một lúc, tôi thấy thật quá sức mình!

Và đã có một lần, tôi uống cà phê với bố mà vô cùng trầm lặng. Khi bố gặng hỏi, tôi vừa khuấy món "cà phê sữa" vừa kể cho bố về những nỗi thất vọng về bản thân mình, về cuộc sống đôi khi mọi chuyện cứ nảy sinh liên tục làm tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi.

Bố tôi hớp một ngụm nhỏ cà phê, rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Con biết vì sao bố gọi con là cà phê không?
Tôi phì cười :
- Mẹ nói là vì bố nghiện cà phê!
- Vậy à, cũng đúng! Thế con có biết vì sao bố nghiện cà phê không? - Bố có vẻ rất hào hứng, hỏi tiếp.
- Vì bố ít ngủ, mà muốn đủ tỉnh táo để làm nhiều, đọc sách nhiều...
- Cũng đúng! Có vẻ mấy mẹ con nghiên cứu bố kỹ nhỉ! - Bố lại cười. Mẹ yêu bố là vì nụ cười hiền lành híp mí này đây.

Bố nói tiếp :
Nhưng bố gọi con là Cà Phê vì điều khác nữa. Có những thứ qua lửa nóng nước sôi thì mềm nhũn, có thứ qua lửa nóng nước sôi thì cứng ngắc... Riêng cà phê thì khác, con càng đun nóng, nó càng thơm, càng ngon. Bố muốn con kiên cường như cà phê vậy, hòa nhập cùng cuộc sống, chấp nhận mọi thử thách để có thể trưởng thành hơn, và trở thành một ly cà phê đậm đặc, thơm ngon.

Đó là bí mật cái tên ở nhà của tôi, một cái tên mang theo kỳ vọng của bố dành cho cô con gái nhỏ. Đó là niềm kỳ vọng mà tôi lấy làm hãnh diện. Phải tôi sẽ là một ly cà phê!

Bố tôi cũng nghiện cà phê, từ nhỏ tôi cũng được uống "cà phê sữa"...Và bằng cách này hay cách khác, tôi luôn cảm nhận được tình yêu và sự kì vọng của ông vào đứa con gái nhỏ...
Nguồn Sưu tầm.

Tản mạn Sài Gòn cà phê

Quán cà phê vỉa hè
Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng tuỳ bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới.  Nhiều lần lang thang quán xá tôi chợt nghĩ có thể dùng lối ví von như thế để nói về cà phê ở Sài Gòn. Này nhé: Sài Gòn có muôn vàn quán xá khác nhau, quán nào cũng đẹp, quán nào cũng mát… nhưng thân thuộc nhất vẫn là quán cà phê. Cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê salon văn hoá… Đâu đâu ta cũng có quán cà phê làm bạn. Quá được, phải không?
Nói đến cà phê Sài Gòn đầu tiên phải nói đến cà phê vỉa hè vì nó có mặt khắp nơi, từ người bình dân đến công chức, từ già đến trẻ hay sồn sồn trung niên, từ đàn ông đến đàn bà… đều có thể tạt vô mua một ly mang đi, hoặc kéo ghế nhựa ngồi uống một mình hay trò chuyện chốc lát cùng bạn bè, có thể sáng ghé rồi trưa lại ghé, có thể chiều đi làm về cũng ghé, ngồi lề đường nghe ngọn gió trên cao lùa về mát rượi, thấy lòng thanh thản sau một ngày vất vả mưu sinh.

Cà phê phin là tinh hoa cà phê Việt. Ảnh: internet
Bất cứ quán “Cà phê vỉa hè” nào cũng có “không gian địa lý” là vỉa hè một con đường nào đó, dưới tán cây cao hay cạnh bức tường loang lổ vôi bạc màu, hay sát lề con hẻm nhỏ xe cộ ra vô thường xuyên… Cà phê vỉa hè ở gần công sở, cửa tiệm, khu dân cư, trường học, có khi ở ngay những con hẻm toàn biệt thự sang trọng… vậy nên “không gian xã hội” của mỗi quán là dân văn phòng, công chức, có quán chủ yếu là sinh viên học sinh, có quán chỉ bán cho bà con trong hẻm, quán lại phục vụ khách qua đường là chính… Nhưng mọi quán đều giống nhau: thức uống chính là cà phê, dĩ nhiên, cà phê “vợt”, cà phê phin đen như than, cà phê sữa nâu sẫm, và cà phê nào cũng rất đắng! Vài chai nước ngọt, sữa đậu nành, có khi có thêm vài trái cam hũ chanh muối… rồi tủ thuốc lá với mấy cây kẹo Singgum. Dù là khách quen hay lạ thì chủ quán cũng đón tiếp vui vẻ, chiều theo sở thích, có quán còn khuyến mãi ly trà đá… Bình dân và bình đẳng là cà phê vỉa hè.
Ở cà phê vỉa hè có thể bắt gặp ai đó yên lặng một mình, mở laptop xài ké Wifi của công sở gần bên, hay nhóm đông bạn bè “tám” chuyện trên trời dưới đất chuyện quốc nội quốc ngoại…; có những người đến đó gặp nhau bàn công chuyện, uống ực cái hết ly cà phê thì chuyện cũng xong, lại lao ra đường đi làm ăn tiếp. Lại có khi nhìn thấy anh chị kia ngồi rù rì chốc lát rồi lên xe chở nhau đi mất…  Ở cà phê vỉa hè giải trí có, làm ăn có, lãng mạn có, chuyện thế sự có, và chẳng làm gì, ngồi “giết thời gian” cũng có… Ở đó tràn đầy sự năng động nhưng cũng là những khoảng lặng đáng yêu của người Sài Gòn.
Bạn tôi là một nhà thơ, nói: nhiều tác phẩm văn chương đã ra đời từ những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn. Tôi chẳng phải dân văn thơ nhưng cũng đồng ý với bạn: cà phê vỉa hè Sài Gòn luôn mang lại cho người Sài Gòn những ý tưởng và sức sống mới. Hơn thế, nó làm cho ai một lần đến Sài Gòn, ngồi cà phê vỉa hè sẽ không quên ấn tượng về nó, bởi mỗi quán cà phê vỉa hè là một Sài Gòn thu nhỏ.
Vỉa hè của quán cà phê
Sài Gòn có hàng ngàn quán cà phê lớn nhỏ trong những ngôi biệt thự, nhà phố, chung cư… khác nhau, hợp thành một loại quán “có nhà” khác với quán lề đường, vỉa hè hay cà phê bệt ở công viên. Hầu hết những quán này thuộc 2 loại cà phê sân vườn hoặc quán có máy lạnh, hoặc kết hợp cả hai. Không khí dễ chịu hay không của một quán cà phê thường được tạo nên bởi 3 yếu tố: chủ quán (sở thích, thẩm mỹ, ý tưởng) – khách đến quán – không gian (nội, ngoại thất) của quán. Những quán như vậy thường không quá sang trọng, giản dị thôi nhưng trang trí khá bắt mắt, có “gout” riêng tạo nên sức hấp dẫn với nhiều khách hàng. Có những quán dường như không bao giờ đông khách, chủ quán cũng không trông chờ điều đó mà chỉ mong chờ vài người khách “ruột” đến đấy chỉ ngồi yên lặng lắng nghe một bản nhạc jazz hay ngắm một bức tranh. Có những vị khách chỉ thích tìm quán vắng, nghiền ngẫm một cuốn sách hay lặng lẽ lướt web, ngồi cả buổi với ly cà phê đá đã cạn và đã thêm vài ly trà đá… Chủ quán cũng không sốt ruột. Một sự sẻ chia thầm lặng đã kết nối chủ và khách, đó là cà phê hay là gì khác?
Nhiều quán như vậy ta có thể bắt gặp trên bất cứ con đường nào. Đó là những căn nhà phố dùng mặt tiền mở quán cà phê. Quán không lớn, thậm chí nhỏ thôi, thường có 2 không gian rõ ràng là trong nhà và ngoài vỉa hè, ngăn cách nhau bằng tấm cửa kính mờ. Trong nhà là quầy nước, nơi tính tiền, vài bộ bàn ghế hay salon khác nhau từng quán, máy lạnh mát rượi, nhạc êm dịu, ánh sáng vừa đủ… bên ngoài dưới mái hiên hay dưới mấy cây dù là hai, ba cái bàn, vài cái ghế nép sát cửa nhà.
cà phê sài gòn
Cà phê vỉa hè là một trong những nét đặc trưng của Sài Gòn. Ảnh: internet
Vì sao những quán cà phê này luôn có một phần quán trước cửa nhà như vậy? Có thể trả lời được ngay: là để tận dụng mặt bằng “công cộng” mở cho không gian của quán rộng thêm một chút. Khoảng vỉa hè này, nhà nào buôn bán cũng “lấn chiếm”, khi để xe của khách, khi trưng bày hàng hoá sáng mang ra đến chiều tối lại mang vô. Nhiều nơi còn có gánh hàng rong chiếm cứ. Vậy thì tại sao không tận dụng để bộ bàn ghế, cây dù, vừa thêm chỗ ngồi vừa “tiếp thị” cho người đi đường dễ nhận biết về quán.
Nhưng có lẽ không chỉ là như vậy. Ngoài vỉa hè có khi nắng sớm nắng chiều chói chang, có khi mưa tạt ướt hết, vậy mà hầu như lúc nào cũng có khách ngồi đây. Ngồi đây quay mặt ra đường, buổi sáng khách thong thả đọc báo và uống cà phê, buổi chiều có thể ngồi đó một mình nhìn ngó đường phố tấp nập hay vắng lặng, trong ngày có khi chỉ ghé qua, dựng vội chiếc xe, kêu một ly cà phê đá, uống nhanh rồi xuống đường đi tiếp. Chủ quán chỉ cần nghe kêu là nhanh chóng phục vụ, có khi mời anh/ chị vô trong nhà mát hơn, khi lại nói anh chị ngồi ngoài này cho thoáng… Vỉa hè trước cửa như không gian mở rộng của từng căn nhà phố. Nó là nơi giao thoa của đường phố và căn nhà, thể hiện cái riêng của từng ngôi nhà trong cái chung của đường phố, của khu vực ấy. Có thể cảm nhận không gian văn hóa riêng – chung của nhà và phố không cắt rời mà linh họat kết nối với nhau bằng khoảng vỉa hè, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tạo ra khỏang riêng tư cho mỗi con người.
Nhiều người nói những quán cà phê mở ra khoảng không gian vỉa hè ở Sài Gòn là tiếp thu từ phong cách cà phê Paris (nói riêng, hay là phong cách cà phê Pháp nói chung). Ngồi đó, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu. Dấu ấn ấy, nếu có ở Sài Gòn thì nay còn thấy ở những quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố. Còn những vỉa hè của quán cà phê mà tôi kể trên đây có mặt trên các con đường lớn nhỏ ở khắp các quận huyện của thành phố, nó là của phần đông người Sài Gòn luôn năng động nhưng nhiều lúc cũng cần cho mình khoảng lặng bình yên.
Cà phê vỉa hè và vỉa hè của quán cà phê là không gian văn hoá cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Khi nghe tôi bảo tôi là dân cà phê vỉa hè, bạn nói “thì tôi cũng hay ngồi cà phê vỉa hè đấy chứ”. Tôi cười “vâng, ông ngồi cà phê vỉa hè Hàn Thuyên bàn cao ghế nệm có người phục vụ đeo tạp dề tinh tươm, làm sao “xịn” bằng tôi ngồi ghế thấp bàn nhựa, tự phục vụ và có thể… ký sổ nợ thoải mái nếu chưa đến ngày lãnh lương”.
Vậy nên viết cái tạp bút này, nếu mạnh dạn gửi đăng báo biết đâu có vài đồng nhuận bút để bon chen cà phê Hàn Thuyên với bạn, thử xem mình có thể trở thành “thượng lưu” được chút nào không? Mà thôi, không có nhuận bút thì vẫn đủ tiền rủ bạn ra cà phê vỉa hè, mình cứ là mình là hay nhất, phải không?
Nguyễn Thị Hậu
Theo Viet-Studie